Tết là thời khắc giao thoa giữa năm mới và năm cũ, là giây phút gia đình sum vầy, là dịp để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm làm việc và học tập vất vả. Trong tâm trí người Việt, Tết luôn là những hình ảnh vui tươi, quây quần đầy màu sắc với hình ảnh cành mai, cành đào, bao lì xì,…..Cùng với sự thay đổi không ngừng của kinh tế, văn hóa và xã hội thì liệu Tết ngày nay có còn giữ nguyên được giá trị vốn có của nó hay chỉ đơn giản là một kỳ nghỉ dài? Hãy cùng GCK khám phá những sự khác biệt thú vị giữa Tết xưa và Tết nay nhé.
1. Pháo hoa ngày Tết
Theo phong tục, việc đốt pháo đêm giao thừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma, những điều xui xẻo, đưa tiễn những cái cũ để đón những điều mới mẻ, may mắn, chấm dứt năm cũ để đón năm mới với nhiều hi vọng. Ngày nay thì Nhà nước đã cấm việc người dân tự đốt pháo, thay vào đó là tổ chức các điểm bắn pháo hoa tập trung tại một số điểm quy định. Đây cũng được xem là điều hợp lý vì như vậy sẽ đảm bảo an toàn hơn cho mọi người vào ngày Tết.
2. Gói bánh chưng / bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là phần không thể thiếu của ngày Tết, trên bàn thờ nhà nào cũng đều có bánh chưng. Ngày xưa, vào các ngày 23,24 các bà các mẹ rục rịch chuẩn bị từ cân gạo nếp, hạt đỗ, thịt lợn đến lá dong từ sớm rất tỉ mỉ, cẩn thận để được chiếc bánh chưng ngon nhất.
Đến ngày 29, 30 Tết cả nhà cùng ngồi gói bánh chưng, mỗi người một tay vừa trò chuyện vừa làm rất vui vẻ. Đến bây giờ, hình ảnh đẹp ấy dần thưa dần khi mà các cửa hàng, siêu thị đã bày bán sẵn, chỉ cần chạy ra mua là có ngay, không cần phải tự ngồi làm nữa. Cuộc sống bận rộn, gấp gáp, mọi người thường lựa chọn đi mua ngoài luôn cho nhanh chóng, nhiều người còn tìm các địa chỉ bán hàng qua mạng để đặt hàng và được giao hàng đến tận nhà.
3. Mua sắm Tết
Thói quen sắm sửa Tết vẫn được lưu truyền đến bây giờ, chúng ta vẫn bắt gặp được hình ảnh đông đúc, dòng người chen chúc nhau khi mua sắm đồ Tết. Tuy nhiên vào ngày xưa, vào mỗi dịp sát Tết mọi người đổ xô ra chợ truyền thống để sắm sửa quần áo, đồ dùng, thực phẩm. Thì bây giờ người dân lại chọn mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn. Để đảm bảo an toàn thực phẩm hơn và cũng tránh tình trạng bị chặt chém giá cả.
4. Quà tặng Tết
Ngày xưa, mọi người thường mua hay tự tay chuẩn bị những giỏ quà Tết truyền thống, giản dị được đựng trong giỏ đan, bọc kín và kèm nơ thắt với các thành phần nội địa như: bánh, kẹo, mứt, cafe,….
Với sự phát triển của xã hội, việc tặng quà Tết nay đã trở nên phong phú và đa dạng hơn. Những món quà Tết cao cấp, sang trọng như rượu, bánh kẹo ngoại nhập, trái cây nhập khẩu, hoa quả sấy khô, hạt dinh dưỡng, yến sào, nhân sâm… ngày càng được nhiều người ưa chuộng.
Điều này thể hiện sự đa dạng và mức sống ngày càng cao của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, dù là Tết xưa hay Tết nay, quà tặng vẫn là cách thể hiện tình cảm và sự quan tâm của mỗi người đến những người thân yêu trong gia đình và bạn bè.